Ngày 12 tháng 10 năm 2023, tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo “Tư vấn, phản biện và giám định xã hội – Những vấn đề đặt ra trong thời gian tới”. Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam; PGS.TS Phạm Bích San – Nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam; TS Đặng Thanh Phú – Phó Chủ tịch LHH Thừa Thiên Huế. Tham gia Hội thảo có lãnh đạo Liên hiệp Hội các tỉnh từ Ninh Bình đến Bình Định, lãnh đạo các Tổ chức – Hội thành viên, đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội Thừa Thiên Huế; đồng chí Nguyễn Thái Nhân – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Quảng Trị dự Hội thảo.
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) là một trong những hoạt động quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên. Hoạt động TVPB&GĐXH được triển khai dựa trên các văn bản pháp lý quan trọng, đó là Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015; Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam; Thông tư số 11/2015/TT-BTC về cơ chế tài chính đối với hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam. Trên cơ sở đó, phần lớn Liên hiệp Hội địa phương đã tham mưu UBND các tỉnh ban hành quy định về hoạt động TVPB&GĐXH, làm cơ sở pháp lý để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động. Theo số liệu thống kế, đến nay có 44/63 tỉnh, thành phố đã có văn bản của UBND ban hành quy chế, quy định về hoạt động TVPB&GĐXH.
Qua triển khai nhiệm vụ TVPB&GĐXH cho thấy, mặc dù 3 nội dung “tư vấn”, “phản biện” và “giám định” đều có khái niệm riêng biệt nhưng trên thực tế thì cách hiểu đối với giám định xã hội rất khác nhau dẫn đến cách thực hiện ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Vì vậy, Hội thảo lần này được tổ chức với mục đích giải quyết các vấn đề còn đang vướng mắc, đó là: Hoạt động giám định xã hội có nên được triển khai độc lập, hay lồng ghép với tư vấn, phản biện?; Khái niệm giám định xã hội trong Quyết định 14/2014/QĐ-TTg đã rõ chưa? Nếu cần làm rõ thì theo hướng thế nào?; Có cần xây dựng một quy trình cho hoạt động giám định xã hội hay không? Nếu cần thì theo hướng nào?
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Phạm Bích San – Nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, một trong những chuyên gia hàng đầu về công tác TVPB&GĐXH chia sẽ 2 chuyên đề để làm rõ hơn nhưng vấn đề nêu trên đó là: Chuyên đề 1, “Kinh nghiệm triển khai hoạt động TVPB&GĐXH và xây dựng báo cáo TVPB&GĐXH” và chuyên đề 2, “Những vấn đề đối với hoạt động TVPB&GĐXH trong thời gian tới”. Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo Liên hiệp Hội các địa phương đã trao đổi, chia sẽ thẳng thắn về thực trạng của hoạt động TVPB&GĐXH tại địa phương, kinh nghiệm triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, cũng như đưa ra các giải pháp, kiến nghị, đề xuất để triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ TVPB&GĐXH trong thời gian tới.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá cao công tác triển khai hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội các địa phương trong thời gian qua. Đồng thời yêu cầu Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách có liên quan đến TVPB&GĐXH; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, thông tin, số liệu, tài liệu tham khảo phục vụ các hoạt động TVPB&GĐXH; tiếp tục đưa ra những kinh nghiệm hay và cách làm hiệu quả để phát triển hoạt động TVPB&GĐXH góp phần giúp các cơ quan Đảng và Nhà nước có được những cơ sở khoa học, các thông tin phản ánh trung thực ý kiến của xã hội nói chung và các nhà khoa học nói riêng đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.