04:13 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Văn bản pháp quy

Phổ biến kiến thức

Sáng tạo kỹ thuật

Trang nhất » Tin tức chung » Tin trong tỉnh

Chuyển đổi cây trồng cạn thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ nhật - 08/10/2017 22:12
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước tưới đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đứng trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của UBND huyện Cam Lộ, Trạm Khuyến nông (KN) huyện Cam Lộ đã triển khai mô hình chuyển những diện tích đất thiếu nước sang cây trồng cạn, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, phát triển cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu tại thôn Đâu Bình 1 (xã Cam Tuyền - huyện Cam Lộ) với tổng diện tích 7,5 ha và đã thu được những kết quả khả quan.
Thu hoạch đậu đen xanh lòng trên diện tích mô hình chuyển đổi cây trồng cạn

Thu hoạch đậu đen xanh lòng trên diện tích mô hình chuyển đổi cây trồng cạn

Gia đình bà Trần Thị Táo ở tại thôn Đâu Bình 1 (xã Cam Tuyền - huyện Cam Lộ) có 10 sào đất ruộng hàng năm chỉ trồng được cây lạc và ngô trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu do thiếu nước tưới nên chỉ trồng được cây sắn, hiệu quả thu được không cao. Vụ hè thu năm nay, được sự hỗ trợ của Trạm KN huyện Cam Lộ, gia đình bà đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây lạc, đậu xanh và cây đậu đen xanh lòng. Nhờ được chăm sóc tốt nên các loại cây trồng cạn này đều sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất lạc đạt từ 1 - 1,2 tạ/sào, đậu đen xanh lòng từ 0,5 - 0,6 tạ/sào.
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Táo cho biết: “Mọi năm trên diện tích đất này gia đình tôi chỉ trồng được cây sắn, nhưng do giá sắn quá thấp nên hiệu quả mang lại không cao, bình quân 1 sào chỉ thu được khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Trong khi các loại cây trồng cạn mà Trạm KN đưa về này có hiệu quả vượt trội, tính bình quân mỗi sào tôi cũng thu được từ 2 - 2,5 triệu đồng. Trồng các loại cây đậu đỗ này cũng thuận tiện. Chỉ cần cày xới xong rồi gieo hạt xuống, thời gian thu hoạch nhanh, trong quá trình trồng thì chỉ phải làm cỏ 1 lần, đến khi ra trái thì đi hái thôi. Không phải mất thời gian và tốn nhiều công sức chăm sóc như cây sắn. Trong những năm tới, tôi sẽ tiếp tục trồng các loại cây này thay vì chỉ trồng cây sắn như trước đây”.
 
Theo anh Dương Hồng Phong, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm KN huyện Cam Lộ, trên diện tích này năm 2016 UBND huyện đã hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm để sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, vụ hè thu năm nay Trạm KN đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn phù hợp như lạc, ngô, đậu xanh, đậu đen xanh lòng và dưa quả. Theo tính toán thì nhu cầu nước tưới của các loại cây trồng cạn này tương đương so với cây sắn trong khi thu nhập mang lại tương đối cao.
 
Cụ thể, đối với cây lạc, Trạm KN xây dựng mô hình sản xuất lạc giống để chủ động nguồn giống cho vụ đông xuân tới nên giá bán tương đối cao, từ 30 - 35 ngàn đồng/kg, với năng suất từ 20 - 22 tạ/ha, tính ra mỗi héc ta trồng lạc mang lại thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Đặc biệt, với cây đậu đen xanh lòng, mặc dù đây là lần đầu tiên được đưa vào trồng ở huyện Cam Lộ nhưng đã cho thấy sự phù hợp, năng suất bình quân gần 12 tạ/ha, với giá bán từ 40.000 đồng/kg trở lên, mang lại thu nhập gần 50 triệu đồng/ha.
 
Ông Trần Thọ Bình , Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền đánh giá rất cao mô hình chuyển đổi cây trồng cạn do Trạm KN huyện triển khai. Ông Bình cho biết, toàn xã Cam Tuyền có hơn 220 ha đất sản xuất lạc. Trước đây, người dân chỉ sản xuất lạc vụ đông xuân rồi bỏ hoang hoặc chuyển sang trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy mô hình tưới tiết kiệm trên cây trồng cạn bên cạnh nâng cao thu nhập cho người dân thì còn góp phần bảo vệ đất đai, đa dạng hóa đối tượng cây trồng.
 
Theo ông Phạm Viết Thanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lộ, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hạn hán ngày càng gay gắt. Để phát triển sinh kế bền vững cho người dân thì việc chuyển các diện tích đất thiếu nước, bỏ hoang sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao là một chủ trương đúng đắn. Không chỉ trên đất trồng màu mà những vùng sản xuất lúa cạn cũng có thể áp dụng được mô hình này.
 
Trên cơ sở này, trong thời gian tới phòng sẽ tham mưu UBND huyện tiếp tục nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng cạn, du nhập thêm các đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao. Phối hợp với Trạm KN huyện xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đồng thời kết nối với các doanh nghiệp chế biến để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn