07:52 ICT Thứ sáu, 29/09/2023

Văn bản pháp quy

Phổ biến kiến thức

Sáng tạo kỹ thuật

Trang nhất » Tin tức chung » Tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Quá trình xây dựng hiệu quả tác phẩm báo chí với loại hình điều tra

Thứ hai - 25/12/2017 09:03
Không phải người ta cố tình làm mình khổ sở khi đi công tác để có tác phẩm hay. Nhưng cần hiểu rằng, nếu chấp nhận khổ được thì ta sẽ hiểu vấn đề, xúc cảm vấn đề, chia sẻ cảm thông với vấn đề/con người/vụ việc đó hơn, đặc biệt là vấn đề xâm hại thiên nhiên, động vật hoang dã. Và cảm xúc đó sẽ được lan truyền đến độc giả. Chưa kể, sự công phu bao giờ cũng đi kèm kết quả là có nhiều tài liệu. Trong điều tra, một trong cái quý báu nhất, cái sống còn là tài liệu.
Quá trình xây dựng hiệu quả tác phẩm báo chí với loại hình điều tra

Quá trình xây dựng hiệu quả tác phẩm báo chí với loại hình điều tra

Vì vậy, Cần ưu tiên tài liệu độc đáo, trực tiếp, thuyết phục. Cần trân trọng các tài liệu có được từ chất vấn, phân tích vấn đề sâu hơn, thay vì chỉ... phỏng vấn; cần hướng tới các câu chuyện trực tiếp có video, hình ảnh hơn là chỉ theo lời kể gián tiếp. Cần có hình thức thể hiện phù hợp với từng vụ việc, từng vấn đề, không cứng nhắc giáo điều, không áp đặt hình thức thể hiện từ trước khi điều tra vụ việc.
Luôn đặt mình trong cảm xúc, trí tuệ và nhu cầu của người tiếp nhận tác phẩm để có hình thức thể hiện cũng như những tư liệu thiết thực, thuyết phục nhất. Như một cuốn sách báo chí nổi tiếng: “Viết cho độc giả”. Không chiều theo thị hiếu tầm thường của độc giả, nhưng nhà báo cần đứng ở phía độc giả để tư duy và xúc cảm. Cũng cần đặt mình trong bối cảnh: nếu mình là cơ quan chức năng, mình sẽ hành động thế nào? Và lường trước diễn biến tiếp theo của vụ việc, nhất là khi tác phẩm được “phát tán” trên báo chí.
Đặc biệt đề cao sự dấn thân, trải nghiệm trực tiếp của nhà báo cho tác phẩm, vấn đề. Trong giáo trình báo chí có câu nói rất hay: muốn viết về cháy rừng thì cần sờ đến hoặc ngửi thấy tro than, cảm thấy được sức nóng của cháy rừng. Tuy nhiên, không phải cứ nhất thiết là viết về miếng tóp mỡ là phải nhảy vào chảo mỡ đang sôi. Tức là, có những tài liệu, nếu lấy gián tiếp, nếu ghi âm qua điện thoại hoặc talk có hình (face time) được thì không nhất thiết phải lên máy bay hoặc lái xe vài ngày để gặp được họ! Tức là, không câu nệ. Chỉ có tư duy sắc sảo của nhà báo đích thực, thì anh mới biết vượt qua các khuôn sáo, để đi đến kết quả vừa đích đáng vừa nhanh gọn mà vẫn chắc thắng. Đạo đức, đẳng cấp của nhà báo còn là ở chỗ, làm được nhiều việc, nhiều vụ với tốc độ nhanh nhất, hiệu quả lớn nhất, chứ không thể nhâm nhi một câu chuyện theo cách quá tốn kém, mất thời gian được.
Trước khi đặt bút viết hoặc ngồi dựng chương trình, nhà báo cần hình dung lại toàn bộ vụ việc và “xẻ” vấn đề đúng cái “huyệt đạo” (mà nhà báo nghĩ rằng) công chúng báo chí cần. Tức là cần linh hoạt trong hình thức. Thể hiện giản dị, dễ hiểu, tránh bị các từ ngữ, số liệu, các bản cắt phỏng vấn làm loãng vấn đề. Trước khi viết, cần để câu chuyện ngấm vào nhà báo, rồi “tiết” ra theo hương vị của tư liệu sau khi ngấm vào nhà báo (như mồi hôi của họ!),như thế, mới có tác phẩm có bản sắc. Tránh tình trạng vừa viết vừa trích dẫn bản bóc băng, vừa cắt ghép các hình quay theo thời gian tuyến tính. Tức là viết bằng cảm xúc dưới sự điều khiển của lý trí, dựng tác phẩm bằng cảm xúc và lý trí, chứ không thể trình bày vấn đề “đầu đuôi xuôi ngược” như luận văn hay bản báo cáo. Tất nhiên, lúc cần, có thể tạo sự tương tác gần hơn nữa của nhân vật với công chúng: có thể bóc băng ghi âm hoặc trích ghi hình với tiếng, hình nguyên bản, thô ráp, sinh động nhất. Nhưng cách làm đó, chỉ có thể áp dụng phổ biến và có hiệu quả, một khi nó ra đời kèm theo sự điều tiết của lý trí tinh tường, sắc sảo và tay nghề cao. Hiệu ứng xuất sắc chỉ ra đời khi có sự tinh tế với nghề thật sự, nếu tay nghề non, các kỹ năng trên trở thành con dao hai lưỡi.
Người ta có thể thực hiện tác phẩm báo chí vì nhiều mục đích khác nhau. Có thể chỉ coi đó là một cái nghề, báo đến giờ in thì phải có bài, ăn lương thì phải viết. Nhưng, những nhà báo chân chính cần/ và bao giờ cũng thượng tôn các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội của mình/cơ quan mình. Nhà báo có thể làm các công việc ngoài nhiệm vụ viết bài, làm phim, thiết kế làm các chương trình phát thanh cho cơ quan của mình. Tức là, họ có thể trong tư cách công dân, trong tư cách người có trách nhiệm trước các vấn đề nóng của xã hội để xử lý vụ việc.
Cần nhắc lại vấn đề, nhắc nhở cơ quan hữu trách vào cuộc. Phân tích sự việc, trình bày toàn bộ câu chuyện thuyết phục, các điều tra tố cáo thật rõ ràng, đó là trách nhiệm của nhà báo, nhưng xử lý vấn đề lại là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Báo chí là quyền lực thứ 4 trong xã hội. Cần biết sử dụng tốt chức năng này để biến các đề xuất, phân tích, tố cáo (từ tác phẩm điều tra) của nhà báo thành hành động của cơ quan liên quan. Muốn thế, các kết quả điều tra phải chỉ ra lối ra cho vấn đề, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân tổ chức. Đồng thời, nhà báo, tòa báo, cơ quan báo chí cần có kế hoạch bài vở, đề xuất sự lên tiếng của các chuyên gia, các nhà quản lý, giới khoa học. Phân tích rõ để độc giả, khán thính giả, cùng lực lượng quản lý, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cao cấp cùng vào cuộc. Chỉ có các sức ép ấy mới đủ sức đẩy vấn đề đến chỗ được giải quyết rốt ráo. Lúc đó, các hoạt động nêu cao trách nhiệm xã hội của nhà báo mới đem lại kết quả tốt nhất.
Trong quá trình kiên trì thực hiện trách nhiệm xã hội của nhà báo trước vấn đề bảo vệ môi trường sống nói chung, nhà báo cũng cần tính đến sự ranh ma, quỷ quyệt của đối tượng, nhất là khi nó được không ít người tha hoá biến chất tiếp tay để “chắp cánh”.Muốn thế nhà báo cần độc lập điều tra, tư liệu chỉ lấy ở nguồn đáng tin cậy, các nguồn mà ta nghi ngờ có thể bị “nói khác đi” thì cần kiểm chứng kỹ. Ví dụ, rừng và muông thú bị tàn sát, theo cách hiểu thông thường thì cơ quan chức năng địa phương phải liên đới trách nhiệm hoặc chịu trách nhiệm chính. Ví dụ, khi thiên nhiên bị tàn sát, thì thôn chịu trách nhiệm trước xã, xã chịu trước huyện, huyện chịu trước tỉnh, tỉnh chịu trước Chính phủ. Nên, thường thì cán bộ cơ sở muốn giấu chuyện hoang thú bị giết, rừng và môi trường bị tàn phá. Nhà báo cần điều tra độc lập hoặc hỏi các nguồn tin giữ thái độ khách quan nhất. Lúc đối thoại với cơ quan chức năng, cần tăng cường chất vấn. Nếu có sự bao che hoặc dối trá, cần tố cáo cả các suy nghĩ hành động tiêu cực đó.
Điều tra, tố cáo, lật lại vấn đề hoặc đưa kẻ xấu ra trước vành móng ngựa, thay đổi một điều luật, cứu các loài hoang dã trước khi nó trở thành con mồi của các tham vọng xấu xa giết chóc... là điều không đơn giản. Một sự cẩu thả của nhà báo điều tra, có thể ảnh hưởng tai hại đến uy tín, danh dự, cả tính mạng của nhiều cá nhân và tổ chức, cũng như ảnh hưởng đến chính nhà báo và cơ quan của anh/chị ta. Tuy nhiên, ai biết vượt qua khó khăn đó, thì họ sẽ gặt hái vinh quang. Vinh quang nhất là các giá trị quý báu từ hoạt động điều tra mà họ đã cống hiến cho cộng đồng, để tuổi trẻ của mình không trôi đi vô nghĩa. Khi đã làm được mảng điều tra báo chí, thì có nghĩa là trong nghề báo, mảng nào nhà báo ấy cũng làm được và làm tốt được. Không có giá trị đích thực nào mà người ta có thể dễ dàng đạt được; miếng pho mát cho không thì chỉ có ở bẫy chuột; không có thành công nào không mang vị mặn của mồ hôi; giọt mồ hôi của người sáng tạo, không có giọt nào được xem là giọt cuối cùng.

Nguồn tin: vusta.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn