Hội thảo khoa học “Ứng dụng và phát triển cây dược liệu tại Quảng Trị"

Ngày 15/12, Hội Đông y tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Khoa học “Ứng dụng và phát triển cây dược liệu tại Quảng Trị”.
Toàn cảnh hội thảo
Nền Y học cổ truyền Việt Nam là một bộ phận di sản văn hóa dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, Y học cổ truyền Việt Nam đã được hình thành từ trong cuộc sống hằng ngày và phát triển gắn liền với lịch sử của dân tộc. Ngày nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và xã hội, Y học Cổ truyền Việt Nam đã thể hiện được tính nhân văn, tính quốc tế, tính khoa học góp phần vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.

Quảng Trị là địa phương có nguồn dược liệu dồi dào, phong phú và chất lượng cao hơn các địa phương khác nhờ những lợi thế đặc thù về địa chất, địa hình và nhờ cái nắng, cái gió, cái khắc nghiệt của khí hậu. Từ lâu đời, người dân Quảng Trị, đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi đã sử dụng các loại cây dược liệu trên địa bàn để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng rất hiệu quả. Với nhu cầu xã hội ngày càng cao và hướng đến sử dụng các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe thì các sản phẩm thảo dược được ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, chế biến và đưa ra thị trường 7 sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như: Chè Vằng hòa tan, Cà Gai leo – Linh Chi (Cagali), Linh Chi hòa tan (Đất lửa), Nhộng Trùng Thảo (Đông Trùng Hạ Thảo), Trà hòa Giảo Cổ Lam Cồn Cỏ, Trà hòa tan Đinh Lăng, Trà hòa tan Dây thìa canh. Các sản phẩm đã mang lại giá trị kinh tế lớn, hàm lượng khoa học cao, mang tính đặc thù của địa phương và có ý nghĩa thiết thực trong đời sống. Ngoài ra, ở một số địa phương, người dân và các doanh nghiệp nhỏ đã mạnh dạn đầu tư, trồng và phát triển một số cây dược liệu như Cây lá vằng, Sân bố chính, Dây thìa canh, Lạc Tiên, Cà gai leo, Dâu tằm, Tinh bột nghệ, Tinh dầu các loại…mang lại hiệu quả kinh tế cao, cung cấp cho thị trường các sản phẩm dược liệu phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, hiện nay ngành phát triển dược liệu ở nước ta nói chung và ở tỉnh Quảng Trị nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn và bất cập. Việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất và bản đồ dược tính. Tình trạng khai thác tràn lan, thiếu định hướng bảo tồn đã và đang làm cạn kiệt nguồn dược liệu trong tự nhiên. Việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào việc sản xuất, bảo tồn và phát triển cây dược liệu còn hạn chế.

Vì vậy, trong Hội thảo Khoa học lần này, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao việc ứng dụng và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tập trung vào 4 giải pháp sau:
1. Ban hành các chính sách mới, đặc thù nhằm hỗ trợ và phát triển một số sản phẩm dược liệu chủ lực theo hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu đáp ứng các tiêu chí chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm cấp tỉnh.
2. Huy động nguồn lực tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng một số cây dược liệu quý trong tự nhiên từ đó lựa chọn ra các sản phẩm dược liệu có giá trị thương mại cao để bảo tồn và phát triển.
3. Đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất, bản đồ dược tính, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý.
4. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để liên kết, hợp tác sản xuất dược liệu gắn với chế biến các sản phẩm tăng cường sức khỏe, xây dựng thương hiệu dược liệu của tỉnh, thương mại hóa các sản phẩm dược liệu quý, có tính đặc thù trên địa bàn.

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngoài sự nổ lực của các thầy thuốc, của nhân dân, các doanh nghiệp cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và các nhà khoa học trên địa bàn tỉnh. Hy vọng trong thời gian tới, Quảng Trị không chỉ là một địa điểm du lịch tâm linh, tham quan thắng cảnh và còn là nơi hội tụ của muôn phương để tìm về các nguồn dược liệu./.

Tác giả bài viết: Lê Vĩnh Phúc