Phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị

Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là mối quan tâm, trăn trở của toàn xã hội. Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức là vấn đề quan trọng nằm trong mối quan tâm của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Ảnh tư liệu
Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã quy định, trong các loại đề án lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội, có “chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”; “các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến… xây dựng đội ngũ trí thức”. Hội thảo hôm nay do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức với chủ đề “Phát huy vai trò và trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, thiết nghĩ là nhằm góp bàn, tư vấn cho tỉnh về một số nội dung, khía cạnh liên quan vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh, nhất là phát triển không chỉ về số lượng mà cần chú trọng chất lượng, vấn đề phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị phải là một vấn đề cốt lõi, có tính “đột phá khẩu” về nâng cao chất lượng đội ngũ. Vì sản phẩm  chính của trí thức là tư duy, như René Descartes đã nói: “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”. Đối với trí thức, không có vấn đề “bất khả tư nghị” (không thể nào suy nghĩ bàn luận ra được) mà chỉ có vấn đề chưa bàn, sẽ bàn. Mà tư duy ở đây là tư duy kiến tạo, tư duy hành động chứ không phải là tư duy trong óc hay trên giấy, nếu cơ quan được tư vấn, phản biện và giám định xã hội biết lắng nghe, tiếp nhận.
Câu hỏi đặt ra là làm gì để phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị? Câu hỏi xoáy vào sứ mệnh, trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Nhưng câu trả lời không dành riêng cho đội ngũ trí thức mà dành cho cả xã hội, bởi “hoạt động tư vấn, phản biện và giám định của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên là hoạt động mang tính xã hội” (theo Khoản 4, Điều 2, Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ).  
Trước tiên, hãy bàn về trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Để phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị, cũng có nghĩa là làm sao tăng cường chất lượng, hiệu quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đòi hỏi đội ngũ trí thức phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, sáng tạo. Có dày công nghiên cứu, tích lũy, sử dụng tri thức chuyên sâu và tri thức liên ngành có hệ thống mới chỉ ra được những cái còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp, thậm chí không khả thi của các đề án; có giàu óc sáng tạo mới “sáng tác” ra những nét mới để bổ khuyết, hoàn chỉnh cho những cái còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp đó. Năng lực nghiên cứu, sáng tạo của trí thức được đào luyện từ sách vở và trường đời đến một độ chín nào đó sẽ biến trí thức đó thành chuyên gia. Phải xây dựng cho được một đội ngũ chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để đủ sức đáp ứng được các yêu cầu: trí tuệ, sắc bén, xác đáng trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Các hội đồng tư vấn của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức Liên hiệp Hội cần tập hợp, huy động đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên sâu và có kế hoạch bồi dưỡng, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước, quốc tế để nâng cao năng lực chuyên môn. Có những đề tài mà người thực hiện sẽ tốn nhiều công sức vì phạm vi rộng, “thuộc loại khó”, cần được tư vấn, phản biện chuyên sâu, chẳng hạn đề tài khoa học cấp tỉnh “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện. Tầm quan trọng của đề tài này thể hiện ở chỗ, “những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị” mà đề tài này đề cập được xem là sức mạnh mềm, là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của tỉnh. Trọng tâm của đề tài này phải chỉ ra cho được “những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị” là gì, luận giải cơ sở hình thành, từ đó đề ra giải pháp phát huy tối ưu, hiệu quả. Về xác định những phẩm chất cần xây dựng của con người Việt Nam, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu “trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Nếu đề tài này chỉ nêu những phẩm chất chung của người Việt Nam như trên mà không chỉ rõ được những phẩm chất đặc trưng, riêng có của người Quảng Trị thì đề tài sẽ không có tính mới, tính độc đáo và không đạt được mục tiêu đặt ra là góp phần phát huy “sức mạnh mềm” của Quảng Trị. Do đó, khi tham gia tư vấn xây dựng đề cương chi tiết đề tài này, chúng tôi đã đề nghị cơ quan chủ trì đề tài cần phân tích, làm rõ những phẩm chất đặc trưng, riêng có của người Quảng Trị. Những phẩm chất đặc trưng này gồm 2 loại, một là những phẩm chất của người Việt Nam được biểu hiện ở mức tập trung, sâu đậm, rõ nét ở người Quảng Trị; hai là những phẩm chất đặc trưng của người Quảng Trị đóng góp vào phẩm chất người Việt Nam, làm giàu thêm cho bảng giá trị của phẩm chất người Việt Nam. Chẳng hạn, về phẩm chất lao động sáng tạo, người Quảng Trị có lối đi riêng, độc đáo chưa ai có. Ví dụ, danh họa Lê Bá Đảng vẽ tranh bằng lối riêng, điểm nhìn trong tranh không phải nhìn ngang mà nhìn từ vũ trụ xuống, tranh không chỉ vẽ mà còn đắp nổi lên với chất liệu giấy đặc biệt, tạo ra “Không gian Lê Bá Đảng”; Chế Lan Viên có công hiện đại hóa thơ Việt… Một nhiệm vụ mới mẻ được nêu tại Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy Quảng Trị về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, đó là hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận Địa đạo Vịnh Mốc là di sản văn hóa thế giới. Việc lập hồ sơ này cần được dày công tư vấn. Điều quan trọng là hồ sơ này phải nêu bật được tính độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, đặc biệt là làm rõ được những giá trị toàn cầu của di tích địa đạo Vịnh Mốc. Ủy ban Di sản Thế giới coi một di sản là có Giá trị Nổi bật Toàn cầu nếu di sản đó đáp ứng ít nhất là một trong những tiêu chí xác định. Đối chiếu với không chỉ một mà nhiều tiêu chí xác định Giá trị Nổi bật Toàn cầu như: Là một tuyệt tác của thiên tài sáng tạo; Chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa…, Là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương do ảnh hưởng của những đổi thay không thể đảo ngược, các sở, ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương đi sâu tư vấn, phân tích, để khẳng định Địa đạo Vịnh Mốc đáp ứng được các tiêu chí này, bởi lẽ, địa đạo Vịnh Mốc được coi như một tòa lâu đài cổ độc đáo trong lòng đất; là một minh chứng độc đáo về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; là ví dụ nổi bật về cư trú trong hang động - một hình thức cư trú truyền thống của con người, về sử dụng lòng đất đỏ bazan để làm nơi sinh sống, bảo toàn và duy trì sự sống và chi viện, tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ…
Con đường của trí thức là từ “tri” đến “hành” và “tri hành hợp nhất”. Cái biết (năng lực nghiên cứu, sáng tạo) phải đem phụng sự cuộc đời. Bởi vì “biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa” (Hàn Dũ). Đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị phải nêu cao tinh thần chủ động đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án mà mình thấy cần phải góp tiếng nói và phải kiên trì quan điểm của mình, tránh ngại đụng chạm, nhất là đối với những đề án có tính chất phức tạp, nhạy cảm. Theo Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong số các loại đề án lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội, ngoài các đề án theo quy định phải lấy ý kiến (các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của tỉnh liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức cần lấy ý kiến; các đề án do các cơ quan của Đảng, Nhà nước đặt hàng tư vấn, phản biện và giám định xã hội); còn có các đề án do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, ngoài nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo quy định, hoặc theo đặt hàng của các cơ quan, đội ngũ trí thức phải tăng cường chủ động đề xuất thêm việc cho chính mình, cũng là cho xã hội về tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Để phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị, ngoài trách nhiệm tự thân của đội ngũ trí thức, đòi hỏi cần tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan. Tức là xã hội phải tạo cơ chế, chính sách và điều kiện đảm bảo cho trí thức được phát huy vai trò của mình.
Một là, tỉnh cần có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, với những chương trình, đề án có tính chiến lược, dài hạn. Nhiều năm qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả một số chính sách khuyến khích, khen thưởng, động viên trí thức nâng cao năng lực nghiên cứu, sáng tạo như: HĐND tỉnh đã có Nghị quyết về việc quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành các Quy chế Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, Giải thưởng Bùi Dục Tài, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên… Tuy nhiên, những chính sách này chỉ mới áp dụng cho từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể, với phạm vi tác động có giới hạn chuyên biệt. Để phát triển trí thức của tỉnh đáp ứng yêu cầu mới đặt ra cần có một chính sách tổng thể, toàn diện, có tầm bao quát và tác động mạnh mẽ cho một vấn đề lớn rộng là vấn đề phát triển đội ngũ trí thức.
Hai là, xây dựng và thực hiện cơ chế tôn trọng, tiếp thu các kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong các cấp, các ngành, các cơ quan, kể cả các kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội do trí thức chủ động đề xuất độc lập (chứ không phải theo đặt hàng). Đặc biệt, cơ chế này phải đo lường được, đánh giá được kết quả tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung… vào các đề án và “hiện thực hóa” trong thực tế triển khai các đề án, sau khi các đề án đó đã được tư vấn, phản biện hoặc giám định. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định là một hoạt động vừa mang tính chuyên môn cao, có tính “độc lập” của giới trí thức; vừa mang tính xã hội, cho nên phải có cơ chế tôn trọng, thực hiện, đánh giá kết quả rạch ròi, chống tình trạng thích thì nghe tư vấn, phản biện, giám định, không thích thì thôi, chống “lợi ích nhóm” trong thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Ba là, ban hành đầy đủ và thực hiện các quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Tỉnh ủy Quảng Trị đã có Quyết định số 908-QĐ/TU ngày 29/3/2018 về việc ban hành Quy định về tổ chức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh. Đối với UBND tỉnh, cần ban hành Quyết định mới Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị, thay thế cho Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 28/9/2010 của UBND tỉnh. Tăng cường vai trò của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc đề xuất cho cấp ủy phê duyệt nội dung, chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện; vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các tổ chức hội khác trong việc đề xuất cho UBND tỉnh phê duyệt danh mục các đề án lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội và triển khai thực hiện một cách có thực chất, tránh làm hình thức, chiếu lệ.
Bốn là, tăng cường, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội về cả 2 mặt: kinh phí cho nhà khoa học, chuyên gia và cơ sở vật chất. Ngoài những đề án do các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến hoặc đặt hàng đã có kinh phí bố trí cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đối với các đề án do Liên hiệp Hội, các tổ chức hội chủ động đề xuất tư vấn, phản biện, giám định, cần có nguồn kinh phí đảm bảo (nguồn ngân sách, nguồn huy động khác… ) để trí thức có điều kiện phát huy tính chủ động sáng tạo trong chuyên môn của mình. Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên địa bàn tỉnh (Thư viện tỉnh, thư viện khoa học và công nghệ phải có đủ nguồn sách quý, sách công cụ cho công tác nghiên cứu, các cơ sở giám định phải có đủ phương tiện, thiết bị hiện đại… ).
Năm là, tổ chức tổng kết định kỳ ở cấp tỉnh về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nhằm đánh giá kết quả đạt được, đúc kết kinh nghiệm, xử lý vướng mắc, khai thông cơ chế, chính sách… để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị được phát huy đầy đủ phải được xem là một trong những cơ sở quan trọng góp phần tạo sự phát triển năng động, đột phá, sáng tạo và bảo đảm bền vững của tỉnh./. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàn - PGĐ Sở Thông tin&Truyền thông Quảng Trị